Khuyến học để xây dựng xã hội học tập ở A
Hội viên khuyến học thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái trong ngày hội “Mổ heo đất tiết kiệm khuyến học”. |
Thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp phát huy vai trò nòng cốt trong việc liên kết với các lực lượng, các tổ chức, vận động toàn dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tổ chức khuyến học trên địa bàn được củng cố từ cơ sở; mạng lưới khuyến học phát triển ở 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố; việc phát động, xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập có những chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động.
Thông qua chỉ đạo, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều tấm gương tiêu biểu. Công tác xây dựng, phát triển quỹ khuyến học được quan tâm; nhiều hình thức xây dựng quỹ được duy trì hiệu quả; hàng trăm ngàn học sinh, giáo viên được khen thưởng, nhận hỗ trợ từ quỹ khuyến học, khuyến tài các cấp.
Tính riêng 5 năm trở lại đây, Quỹ Khuyến học cấp tỉnh vận động ủng hộ trên 10 tỷ đồng; trong đó, trên 6 tỷ đồng tiền mặt để hỗ trợ và trao thưởng cho gần 120 nghìn lượt học sinh, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì một số hội cơ sở hoạt động chưa thực sự hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trong xây dựng các mô hình học tập còn thiếu giải pháp mang tính lâu dài, thiếu chiều sâu và tính bền vững. Phong trào thi đua khuyến học, học tập suốt đời cho người lớn chưa thường xuyên, đồng đều giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa...
Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu.
Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các cấp và cả hệ thống chính trị đối với việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt chức năng cầu nối, vai trò nòng cốt liên kết các tổ chức, các đơn vị, lực lượng xã hội tham gia khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đa dạng hóa các hình thức vận động, xây dựng quỹ khuyến học theo hướng xã hội hóa, hiệu quả, công khai, minh bạch ở các cấp hội.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thu Trang